Dấu hiệu dễ nhận thấy
là DN lỗ liên tục nhiều năm nhưng doanh thu tăng, hoạt động sản xuất mở
rộng. Câu chuyện lỗ nhiều năm hiện được DN đối phó bằng cách biến hóa
như: chủ động để ba năm lỗ liên tục, sau đó 1-2 năm lãi nhưng mức lãi
rất ít, để rồi lũy kế ra vẫn lỗ... Các giao dịch nội bộ hay còn gọi là
giao dịch liên kết thể hiện bất thường.
Một
nhóm công ty thực hiện việc mua bán nguyên vật liệu và gia công với giá
nội bộ. Giá trị đầu tư một nhà máy chỉ 1 tỉ đồng nhưng họ nâng lên
thành 1,5 tỉ. Mục đích nâng khấu hao lên tất nhiên giá thành cũng cao
lên, lợi nhuận thấp xuống. Đây chỉ là một ví dụ thôi, về cách làm có thể
nói là thiên hình vạn trạng và phức tạp.
Nhưng làm sao biết được sự bất thường về chi phí nội bộ?
Chẳng
hạn chi phí trả lãi tiền vay là cách mà gần đây nhiều DN sử dụng. Công
ty mẹ đưa hàng vô, công ty ở VN nói không có tiền lấy, công ty mẹ cho
trả chậm sau khi bán sẽ trả, thời gian trả chậm đó phải trả lãi. Cái này
thực chất là trả lãi tiền vay. Nên DN bán ra có lãi đều tính vào chi
phí trả lãi tiền vay, thế là hết lãi. Phần lãi thực đã chuyển hết ra
ngoài cho công ty mẹ.
Hoặc
thay vì chi phí cho nguyên liệu, vật tư, thiết bị công nghệ mà công ty
mẹ phải chịu thì DN phân bổ vào giá các sản phẩm và chuyển qua VN. Chúng
tôi có thể dùng biện pháp so sánh với những DN cùng ngành, quy mô tương
đương để truy ra.
Nhìn thấy dấu hiệu, có đủ chứng từ chứng minh sự bất hợp lý, nhưng vì sao cơ quan quản lý không xử được họ?
Đây
chính là gút mắc bởi khi thực hiện việc chuyển giá DN đã chuẩn bị đầy
đủ hồ sơ, chứng từ chặt chẽ, hợp đồng có giá trị pháp lý... Rất khó cho
cơ quan quản lý xử lý.
So sánh
cùng mặt hàng, cùng ngành nghề, cùng thị trường sẽ thấy sự khác biệt.
Thế nhưng, từ việc xác định có hiện tượng, hành vi để đi đến một quyết
định có tính pháp lý là điều cực kỳ khó. Cơ quan quản lý nhà nước phải
có chứng cứ pháp lý chặt chẽ, không chỉ có giá trị trong nước mà cả giá
trị pháp lý quốc tế mới bác được sự bất hợp lý của DN. Khi đã xác định
và công bố thì cả thế giới phải thừa nhận, đúng theo cam kết quốc tế, để
khi có sự tranh tụng trước tòa án chúng ta nắm chắc được phần thắng. Vì
thế phải xây dựng cơ quan chuyên trách, chuyên gia của từng ngành để
quyết định đưa ra phải có giá trị pháp lý, tính thuyết phục cao.
Có
thể nói DN có trong tay những chuyên gia thuộc dạng thạc sĩ, tiến sĩ
trốn thuế rồi. Thẳng thắn mà nói DN nào “non tay”, sơ hở mới bị bắt giò.
Ví dụ DN có vốn điều lệ 100 tỉ đồng, xây dựng 80 tỉ đồng, vốn lưu động
20 tỉ đồng. Nếu trong quá trình hoạt động chúng ta thấy chưa sử dụng hết
vốn lưu động nhưng đã xuất hiện chi phí trả lãi tiền vay, lúc đó cơ
quan quản lý mới bác bỏ được chi phí lãi vay này.
Như vậy nghĩa là họ làm hợp pháp và cơ quan thuế “bó tay”?
Nói họ làm hợp pháp cũng không hẳn, mà chính xác là lách vào những kẽ hở của pháp luật.
Chuyện
DN mua bán lòng vòng qua những quốc gia có thuế suất thuế thu nhập DN
thấp ta biết nhưng luật của ta hiện nay không ngăn chặn được việc buôn
bán như thế. Họ có thể giải thích rằng tôi bán bằng giá vốn vì cần
tiền... Tôi đã từng chất vấn biết bao lần như vậy, bao nhiêu là giải
trình của họ còn nằm đây. Chúng ta có thể chứng minh được những công ty
này đều có quan hệ “ruột rà, mẹ con” với nhau cũng chẳng làm gì được vì
họ là những pháp nhân khác nhau và thực hiện việc thuận mua vừa bán.
Vậy thời gian qua cơ quan thuế có dùng biện pháp nào với các DN lách luật?
Thông
thường với những trường hợp lỗ liên tục nhiều năm hoặc có các dấu hiệu
nghi vấn trong hồ sơ, chúng tôi sẽ yêu cầu giải trình rồi mời đại diện
DN lên làm việc. Với những DN lỗ vượt quá vốn chủ sở hữu, chúng tôi tạm
dừng hoàn thuế để yêu cầu giải trình. Đến khi nào giải trình có cơ sở
thì cơ quan thuế mới xem xét.
Như
một công ty Hàn Quốc kê khai lỗ liên tục sáu năm nhưng vô lý ở chỗ
doanh thu lại tăng đến sáu lần. Năm 2005 doanh thu là 10,5 tỉ đồng, đến
năm 2009 là 60 tỉ đồng. Một DN khác kinh doanh may mặc quần áo xuất khẩu
kể từ khi thành lập vào năm 2003 đến thời điểm 2009 lỗ lũy kế 8,4 tỉ
đồng, chiếm 52,71% so với vốn pháp định.
Chúng
tôi đã yêu cầu DN phải báo cáo ngay cho cơ quan thuế chi tiết hoạt động
sản xuất kinh doanh của DN từ lúc thành lập đến nay, mời đại diện pháp
luật của DN đến cơ quan thuế để làm việc, đồng thời quyết định thanh tra
ngay DN để làm rõ dấu hiệu chuyển giá do DN liên tục khai lỗ, lại gia
công duy nhất cho công ty mẹ ở nước ngoài.
DN
này giải trình rất sơ sài, như do quỹ lương tăng, lao động chưa lành
nghề nên phải đào tạo, sản lượng thấp, chất lượng kém, nguồn hàng không
ổn định, phải nhận gia công ở ngoài với giá thấp, chi phí nguyên vật
liệu cao... Ngạc nhiên hơn, DN này khẳng định dù thua lỗ qua nhiều năm
nhưng hiện vẫn hoạt động, không có giải thể hay phá sản.
Chúng
tôi đang vận dụng luật pháp về quản lý thuế để sắp tới sẽ công bố công
khai những DN lỗ liên tiếp và có dấu hiệu chuyển giá.
* Thưa ông, vì sao không thể dựa vào kiểm toán?
Về
lý thuyết có thể dựa vào kiểm toán để làm nhưng trên thực tế kiểm toán
VN khác với thế giới nên chỉ để tham khảo. Kiểm toán VN là độc lập nên
họ chỉ chịu trách nhiệm có tính cách nghiệp vụ trên phần việc họ làm.
Bản chất thực số liệu được kiểm toán là thật hay giả thì họ không chịu
trách nhiệm. DN đưa vào 100 chứng từ mua hàng hóa, kiểm toán xem những
chứng từ đó được hạch toán vào tài khoản nào, chi phí hợp lý gì... tính
ra lời hay lỗ. Còn giá trị thực của những chứng từ mà DN đưa ra cho kiểm
toán viên là 100 tỉ đồng hay 1 tỉ đồng thì họ không chịu trách nhiệm mà
là DN chịu.
(Theo Stockbiz)