THUẾ TNDN


Thuế suất thuế TNDN có thể xuống 20%

Tình trạng “chuyển giá” của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) đang tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh đối với các DN trong nước. Những động thái gần đây cho thấy các cơ quan quản lý đang triển khai chống chuyển giá một cách quyết liệt, thay vì chỉ cảnh báo chung. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Cúc, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế để làm rõ hơn vấn đề này.

 

PV: Theo báo cáo của cơ quan Thuế có đến 60% DN FDI báo lỗ. Bà có ý kiến gì về vấn đề này?

 

Bà Nguyễn Thị Cúc: Việc các DN FDI hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, nhiều DN hoạt động mạnh, nhiều DN có sản phẩm uy tín trên thị trường nhưng kết quả vẫn lỗ. Đây là một thực tế. Một trong những nguyên nhân là có yếu tố chuyển giá. Các DN dùng biện pháp chuyển giá để mang lại hiệu quả kinh doanh cho đơn vị mình thay vì đầu tư sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả thu lãi thì áp dụng chuyển giá để tránh thuế ở Việt Nam. Thay vì nộp thuế ở Việt Nam họ lại nộp ở quốc gia khác, có sản xuất kinh doanh tại quốc gia đó, có mức thuế thấp hơn hoặc ưu đãi thuế. Vì vậy hoạt động chuyển giá này sẽ dẫn đến thất thu ngân sách ở Việt Nam.

 

PV: Tại sao biết DN chuyển giá để trốn thuế nhưng cơ quan Thuế không xử lý?

 

Bà Nguyễn Thị Cúc: Một trong những chức năng nhiệm vụ thuế là thực hiện công tác kiểm tra thanh tra, trong đó có thanh tra về chống chuyển giá. Tuy nhiên chúng ta phải đi về nguyên tắc của cơ chế quản lý thuế của Việt Nam cũng như của quốc tế. Các DN hiện nay tự tính, tự khai, tự nộp thuế. Cơ quan Thuế có nhiệm vụ tuyên truyền chính sách thuế, hỗ trợ DN trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế đồng thời thực hiện chức năng kiểm tra, thanh tra để chấn chỉnh, xử lý vi phạm. Tuy nhiên kiểm tra hoạt động chuyển giá không phải là điều dễ dàng. Muốn có căn cứ kết luận các DN có hoạt động chuyển giá phải chứng minh được hạch toán, giá bán giá mua của họ không phù hợp giá thị trường. Ví dụ một nhãn ô tô, giá bán sản phẩm chỉ có ở Việt Nam, không có nhiều giá khác nhau để so sánh. Làm thế nào xác định được giá bán đó không đúng, rất khó, vì cần có căn cứ pháp lý xác định giá thị trường và giá thực tế họ bán tại Việt Nam, mà lấy thông tin giá bán sản phẩm của DN họ nơi khác để truy thu thuế ở Việt Nam từ việc yêu cầu họ cung cấp là thiếu khả thi.

 

PV: Với tư cách là người lâu năm làm công tác thuế, có nhiều kinh nghiệm, bà có thể cho biết thời gian tới có cần những biện pháp gì để quản lý thuế các DN FDI một cách hiệu quả hơn?

 

Bà Nguyễn Thị Cúc: Từ năm 2005, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 117/2005/TT-BTC ngày 19/12/2005 hướng dẫn thực hiện việc xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh và hiện nay đã có Thông tư số 66/2010/TT-BTC để hướng dẫn về vấn đề này, nhưng để có kết luận và thu hồi được thuế tại các DN chuyển giá không nhiều. Phải có cơ sở thu thập thông tin của nước ngoài, xem sản phẩm tại Việt Nam cùng sản phẩm tương đương họ bán tại nước ngoài như thế nào. Đối chiếu được rất khó, đưa các biện pháp áp dụng thực tiễn cũng không dễ dàng. Sau 5 năm ban hành Thông tư 117 triển khai chưa hiệu quả nên Bộ Tài chính mới đây bổ sung Thông tư 66. Bên cạnh đó, để thanh tra DN chuyển giá, cán bộ thuế phải có trình độ nghiệp vụ chuyên môn giỏi, ngoại ngữ giỏi, nắm chắc quy trình kiểm tra, giá bán, hoạt động DN. Hiện nay, ở Việt Nam, kinh nghiệm đó chưa nhiều, cần thời gian để cán bộ học tập, trau dồi. Với Thông tư 66 mới, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã triển khai chỉ đạo rất quyết liệt, đưa công tác kiểm tra chuyển giá vào trọng tâm chống thất thu ngân sách Nhà nước. Tất cả các địa phương đều tiến hành triển khai tập huấn, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Thuế theo công văn số 2704/TCT-CC ngày 23/7/2010 “Tập trung nguồn lực, triển khai thực hiện một chiến dịch thanh tra chống chuyển giá; tập trung vào một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, đặc biệt là các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài kê khai thua lỗ lớn, liên tục trong nhiều năm để thực hiện thanh tra trước, sau đó rút kinh nghiệm để triển khai thường xuyên nhằm đảm bảo chống thất thu NSNN và công bằng trong nghĩa vụ thuế”.

 

Tổng cục Thuế đã và đang phối hợp với tổ chức quốc tế, các dự án hỗ trợ cơ quan thuế VN trong các dự án cải cách thủ tục hành chính thuế; Nhờ chuyên gia nước ngoài giảng kinh nghiệm thanh tra của các nước có kinh nghiệm chống chuyển giá tốt như Nhật Bản. Họ giúp đào tạo cán bộ thuế nâng cao năng lực, nghiệp vụ chuyên ngành. Bên cạnh đó tăng cường việc học tập kinh nghiệm của OECD và kinh nghiệm chống chuyển giá của các vùng lãnh thổ Châu Á, Châu Đại Dương. Thông qua các bài trình bày của cơ quan thuế, Hiệp hội nghề nghiệp về tư vấn thuế liên quan đến chống chuyển giá, hình thức điều tra, kinh nghiệm thanh tra chống chuyển giá trong từng trường hợp cụ thể… kết hợp với sử dụng cơ sở dữ liệu ngành thuế để nâng cao năng lực, kỹ năng nghiệp vụ của cán bộ thuế. Bước khởi đầu là triển khai trọng điểm, từ đó mở rộng triển khai nhiều đơn vị để chấn chỉnh hoạt động chuyển giá. Ngoài ra, cơ quan thuế đề nghị DN nộp tờ khai hàng năm về các giao dịch liên kết để cơ quan thuế theo dõi.

 

Liên quan đến thông tin chuyển giá, Việt Nam đã ký hiệp định tránh đánh thuế hai lần với trên 50 nước, thông qua cơ quan thuế tại các nước cung cấp đối chiếu thông tin khi nghi ngờ DN có chuyển giá song vẫn gặp nhiều khó khăn vì trên thực tế Hiệp định giúp ngăn ngừa đánh thuế 2 lần, gian lận trốn thuế, tuy nhiên, trong nội dung Hiệp định thì như vậy nhưng mỗi quốc gia lại muốn bảo vệ người nộp thuế. DN đó có thể ở quốc gia của họ nhưng họ lại đầu tư ở Việt Nam nhưng từ Việt Nam lại trốn thuế và mang thu nhập về quốc gia của họ nên mình không hy vọng gì nhiều. Cho nên cần có biện pháp đồng bộ phối kết hợp, tự tìm tòi nâng cao kinh nghiệm của mỗi cán bộ thuế và cơ quan thuế.

 

PV: Theo bà có nên xem xét lại mức thuế suất thuế thu nhập DN hiện nay hay không? Mức thuế suất cao (25%) chưa hẳn sẽ giúp chúng ta thu được nhiều thuế, do đó nên có mức thuế suất vừa phải để các DN không ngán ngại khi nộp thuế, có như vậy mới hạn chế được thực trạng chuyển giá?

 

Bà Nguyễn Thị Cúc: Thuế suất thuế thu nhập DN nên xem xét cả quá trình. Đầu tiên thuế suất của Việt Nam là 32% trong khi nước bạn láng giềng Trung Quốc là 33%. Sau một thời gian thực hiện, thuế suất 32% tương đối cao và lúc đó lại áp dụng riêng cho DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài. Vì vậy Quốc hội đã thông qua Luật thuế TNDN giảm thuế suất từ 32% xuống 28% và từ 1/1/2009 đã giảm từ 28% xuống 25%. Như vậy có thể thấy rằng chúng ta đã có bước thay đổi khi giảm từ 32% xuống 28% rồi lại giảm tiếp xuống 25%. Và mức 25% so với khu vực không phải là cao, chỉ ở mức trung bình, có nhiều nước cao hơn nhưng cũng có nhiều nước thấp hơn.

 

Tuy nhiên, quan điểm về thuế thu nhập DN có khác nhau. Các quốc gia phát triển, điều kiện kinh tế phát triển mong muốn giảm thuế thu nhập DN. Khi giảm thuế, DN sẽ nộp NSNN ít hơn và phần giảm nộp NSNN sẽ đầu tư tái tạo mở rộng sản xuất kinh doanh, DN kinh doanh có lãi sẽ có điều kiện để nộp vào NSNN chu kỳ sau. Và như vậy thuế giảm, hiệu quả sản xuất cao, DN có lãi, họ nộp thuế và Nhà nước có lợi. Quan điểm của Chính phủ, Bộ Tài chính nghiêng về phương án hướng giảm thuế suất cho người nộp thuế và 25 % không phải là điểm cuối. Trong chiến lược cải cách thuế cũng đã đưa ra căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế và khi có điều kiện sẽ giảm thuế suất thuế thu nhập DN, có thể xuống tới 20%. Con số này cũng là điều hợp lý, là mục tiêu đề ra. Tôi tin tưởng trong thời gian không xa, Việt Nam có thể điều chỉnh dần hoặc mạnh dạn điều chỉnh xuống mức 20%.

 

PV: Xin cảm ơn bà!

 

Theo Báo Hải quan số 148