Đây là vấn đề đặt ra trong cuộc đối thoại
giữa Phòng Thương mại Châu Âu (EuroCham) với Bộ Tài chính cuối tuần qua,
liên quan đến chính sách doanh nghiệp tự in hóa đơn và việc hướng dẫn
áp dụng.
Tháng
5/2010, Chính phủ ban hành Nghị định 51/2010/ND-CP về hóa đơn, sau đó
là Thông tư 153/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện.
Theo đánh giá của EuroCham, hai bước cải tiến quan trọng mới trong các
quy định mới là hóa đơn tự in và hóa đơn điện tử. Và trong văn bản gửi
về Bộ Tài chính, đầu mối này cho biết: “Các thành viên của EuroCham rất
hoan nghênh các quy định mới này vì điều đó dường như khuyến khích các
giao dịch để tạo ra môi trường kinh doanh hiệu quả hơn sau 5 năm khi
Luật Giao dịch điện tử được Quốc hội thông qua”.
Tuy nhiên, tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt
Nam cũng nhấn mạnh rằng hiện vẫn thiếu những hướng dẫn thực hiện cho
phép cộng đồng doanh nghiệp thực thi tốt các luật và các quy định mới về
hóa đơn.
Cụ thể, Thông tư số 153 vẫn yêu cầu: (i) hóa đơn phải được phát hành và
cung cấp cho khách hàng ngay sau khi hoàn thành các giao dịch bán hàng;
và (ii) hóa đơn giấy hoặc hóa đơn điện tử phải được dùng làm tài liệu
bằng chứng chính thức để kê khai và quyết toán thuế giá trị gia tăng,
công nhận doanh thu và chi phí, cũng như kế toán và thanh toán. Hơn nữa,
hóa đơn giấy được sử dụng trong thực tế là bằng chứng duy nhất chứng
minh hàng hoá được sản xuất và kinh doanh hợp pháp. Như vậy, phải luôn
luôn có hoá đơn đi kèm theo hàng hóa thực tế trong lưu thông và vận
chuyển.
“Về khía cạnh này, các lợi ích của hóa đơn điện tử hiện nay vẫn còn là
câu hỏi. EuroCham rất tiếc là Thông tư 153 vẫn chưa cung cấp được các
hướng dẫn chi tiết về cách áp dụng các hóa đơn tự in và hóa đơn điện tử.
Thay vào đó, Bộ Tài chính đã chỉ ra rằng sẽ ban hành các Thông tư
riêng để hướng dẫn các vấn đề còn tồn đọng”.
“Chúng tôi lo ngại rằng có quá nhiều các thông tư hướng dẫn về quản lý
hóa đơn có thể tạo ra việc áp dụng chồng chéo và sự hiểu lầm không mong
muốn”, EuroCham lo ngại.
Dẫn giải lo ngại trên, theo EuroCham, trên thực tế mỗi lô hàng vận
chuyển vẫn cần phải kèm theo một hóa đơn riêng. Điều này thường dẫn đến
số lượng hóa đơn ngày càng tăng, kéo theo khối lượng công việc tăng tại
các bộ phận hậu cần của tất cả các công ty và từ đó cản trở việc cải
thiện hiệu quả và năng suất của các công ty có liên quan.
Hơn nữa, hiện không có một trung tâm trao đổi dữ liệu điện tử quốc gia,
nơi sẽ cho phép tất cả các công ty, bất kể quy mô và bí quyết công
nghệ, trao đổi thông tin giao dịch theo định dạng điện tử.
Với thực tế đó, “một lần nữa, những lợi ích của hóa đơn điện tử trong khía cạnh này vẫn còn là câu hỏi”.
Và một trong những kiến nghị mà EuroCham đưa ra là Chính phủ cần cho
phép dữ liệu điện tử được dùng làm chứng từ pháp lý cho thuế giá trị gia
tăng, công nhận doanh thu và chi phí, kế toán và tự kê khai và quyết
toán thuế; Chính phủ cũng cần định hướng thành lập một hạ tầng cho Trung
tâm Trao đổi Dữ liệu Điện tử (EDI) quốc gia, bao gồm cả việc lắp đặt
kỹ thuật, thiết lập tiêu chuẩn và quản trị.
Trả lời những quan ngại và đề xuất trên, Bộ Tài chính cho biết, về ý
kiến cho rằng trong trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử trong quá trình
vận chuyển hàng hóa thế nào, thì Bộ… đang nghiên cứu để có hướng dẫn cụ
thể tại thông tư về hóa đơn điện tử.
Về quan ngại của Eurocham khi Thông tư 153 không thể hướng dẫn cụ thể
cách thức để sử dụng đồng thời hóa đơn tự in và hóa đơn điện tử, Bộ Tài
chính cho rằng không nên lo ngại vì theo hướng dẫn tại Điều 5 Thông tư
số 153, tổ chức, cá nhân được sử dụng đồng thời 3 hình thức hóa đơn,
gồm hoá đơn tự in, hóa đơn điện tử, hóa đơn đặt in.
Khoản 3 Điều 7 Thông tư 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 của Bộ Tài chính
cũng hướng dẫn: “3. Việc quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử được thực
hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính”. Và hiện cơ quan này vẫn
đang lấy ý kiến rộng rãi vào dự thảo thông tư hướng dẫn về hóa đơn điện
tử.
Và theo Bộ Tài chính, dự kiến trong năm 2010, tức chỉ trong khoảng hai
tháng nữa, một thông tư riêng hướng dẫn về việc quản lý, sử dụng hóa đơn
điện tử sẽ được ban hành.